Chuyên đề “Giáo dục STEM qua thiết kế giác kế hỗ trợ đo chiều cao và khoảng cách”

Thực hiện Công văn số 287/SGDĐT-GDTrH ngày 18/3/2021 của Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình về việc giao các đơn vị phối hợp xây dựng các chuyên đề của đề tài “Nghiên cứu, triển khai hiệu quả giáo dục STEM trong các trường trung học tỉnh Ninh Bình”; thực hiện kế hoạch, sự chỉ đạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo Yên Khánh, chiều ngày 22/10/2021, trường THCS Thị trấn Yên Ninh tổ chức chuyên đề “Giáo dục STEM qua thiết kế giác kế hỗ trợ đo chiều cao và khoảng cách”.

Tham dự chuyên đề có đại diện lãnh đạo Phòng Giáo dục Trung học - Sở Giáo dục và Đào tạo; chuyên viên Phòng Kế hoạch - Sở Khoa học và Công nghệ; đại diện cán bộ, giáo viên của 8 phòng giáo dục và đào tạo trong tỉnh; lãnh đạo, giáo viêncác em học sinh đại diện trường THCS Thị trấn Yên Ninh.

Sau khi cô Phạm Thị Tuyến, Phó Hiệu trưởng nhà trường tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu, cô Phạm Thị Phương Loan, Tổ trưởng Tổ Khoa học Tự nhiên đã trình bày lý do chọn đề tài, tóm tắt nội dung chuyên đề, đồng thời nêu rõ mục tiêu của chuyên đề: phát triển toàn diện nhân cách, chú trọng năng lực vận dụng tri thức trong những tình huống thực tiễn; nâng cao trình độ chuyên môn cho giáo viên; quyết tâm đổi mới nhận thức, đổi mới phương pháp làm việc, tránh nhàm chán, thụ động ở cả thầy và trò; đồng thời, phát huy niềm say mê, tính sáng tạo trong học tập; hình thành và phát triển các năng lực chung cốt lõi cũng như năng lực chuyên biệt của môn Toán cho học sinh THCS.

Chuyên đề được tổ chức theo hình thức sân khấu hóa và hoạt động ngoài trời; 3 đội chơi tham gia với 5 phần thi: chào hỏi, tài năng, hiểu biết, thuyết trình sản phẩm và thực hành.

Phần trọng tâm của chuyên đề là phần thi thuyết trình sản phẩm: một giác kế hỗ trợ đo chiều cao và khoảng cách. Các đội chơi lựa chọn hình thức báo cáo khác nhau nhưng đã đảm bảo mô tả được quy trình chế tạo sản phẩm: các bước tiến hành, các điều kiện cụ thể trong từng bước để làm ra sản phẩm; những điều chỉnh so với đề xuất ban đầu và lí do (nếu có), giá thành sản phẩm… sau đó tiến hành đo thực tế chiều cao toà nhà A của trường và khoảng cách giữa hai điểm đã được xác định trước trong sân trường.

Ban tổ chức đã công bố bản thiết kế của toà nhà A và kết quả đo đạc của các nhóm rất sát với số liệu thực tế được công bố, chứng tỏ sản phẩm của các nhóm đã đáp ứng được các tiêu chí kĩ thuật đặt ra ban đầu.

Sau mỗi phần báo cáo của các nhóm, có câu hỏi phản biện của các giám khảo và của đội bạn. Các giám khảo chấm điểm theo tiêu chí đã thống nhất từ trước để chọn ra sản phẩm có khả năng phát triển nhất. Giám khảo gợi mở về việc tìm hiểu kiển thức để mở rộng, nâng cấp sản phẩm.

Sản phẩm của 3 nhóm đã thể hiện rõ nét phương pháp giáo dục tích hợp liên môn, giáo dục thông qua thực hành, ứng dụng; qua đó nâng cao khả năng và ý thức làm việc nhóm cũng như niềm say mê, tinh thần sáng tạo, tính tích cực, chủ động của học sinh; các em mạnh dạn chia sẻ, đề đạt nguyện vọng nâng cao chất lượng học tập bộ môn cũng như giải quyết các vấn đề thực tiễn.

Sự thành công của chuyên đề STEM đem đến sự hứng khởi, là nguồn động lực để mỗi giáo viên tích cực tìm tòi, nghiên cứu và vận dụng giáo dục STEM vào chương trình giảng dạy trong nhà trường. Đồng thời, qua đây cũng khẳng định tinh thần đoàn kết vững mạnh, trí tuệ tập thể của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh trường THCS Thị trấn Yên Ninh. 

Sau đây là một vài hình ảnh học sinh sử dụng giác kế do các nhóm chế tạo để đo đạc chiều cao, khoảng cách trong sân trường:

 

 

 

Nguồn: Trường THCS Thị trấn Yên Ninh, huyện Yên Khánh