Phương pháp Montessori là gì?
Phương pháp giáo dục Montessori được đặt tên theo tên của nhà giáo dục học Maria Montessori. Đây là phương pháp lấy khả năng tự học làm nền tảng cơ sở. Montessori chú trọng khả năng khai thác tiềm năng sẵn có, không áp đặt trẻ, chỉ quan sát đưa ra gợi ý và hỗ trợ khả năng tự phát triển của trẻ vì bản thân mỗi trẻ từ khi sinh ra vốn đã có khả năng tự học tuyệt vời. Phương pháp Montessori cho phép trẻ được tự do phát biểu, tìm hiểu, giao tiếp. Với Montessori, trẻ được giáo dục để trở thành một công dân tự tin, độc lập, tích cực, giao tiếp hiệu quả, có định hướng và trách nhiệm với bản thân và cộng đồng.
Nếu người lớn áp đặt, định hướng nhiều quá sẽ khiến cho trẻ mất đi khả năng tư duy vốn có do đó cần tạo môi trường, không gian cho trẻ tự trải nghiệm, khám phá, phát huy khả năng tự học. Phương pháp này rất tôn trọng sự phát triển tâm sinh lý tự nhiên của trẻ, cũng như trang bị đầy đủ cho trẻ các kiến thức thực tiễn. Do đó, giáo dục trẻ bằng phương pháp học Montessori giúp xây dựng nền tảng cơ bản cho bé ngay từ những năm đầu đời, đặc biệt là giai đoạn từ 2 đến 6 tuổi.
(Tiến sĩ Maria Montessori (31/8/1870 – 6/5/1952) là chuyên gia người Ý trong nhiều lĩnh vực như: Triết học, nhân văn học, giáo dục học và đồng thời bà được biết đến như là nữ bác sĩ đầu tiên của Ý. Bà đã xây dựng, phát triển thành công phương pháp giáo dục Montessori và là người phụ nữ có ảnh hưởng lớn nhất trong lĩnh vực giáo dục lứa tuổi mầm non).
Vì sao nên dạy con theo phương pháp Montessori?
Giảng dạy theo tốc độ tiếp thu của trẻ
Thay vì phải chạy đua với bài giảng của giáo viên hay những bạn cùng lớp, trẻ được dạy và học theo tốc độ của mình. Bé không phải gồng mình để theo kịp các bạn hay phải chờ để các bạn bắt nhịp với mình. Mỗi bé có khả năng và sở thích khác nhau, có trẻ giỏi toán, có trẻ học ngôn ngữ rất nhanh,... Nhờ vào sự lặp đi lặp lại của phương pháp Montessori, mỗi bé có thể học một kỹ năng nào đó cho đến khi thuần thục nên sẽ không có lỗ hổng kiến thức và việc học phụ đạo lúc này trở nên thừa thãi.
Khuyến khích trẻ hoạt động
Vượt ra ngoài các bài giảng lý thuyết, trẻ được hướng dẫn các hoạt động vui chơi và học tập mỗi ngày. Điều này khiến trẻ hứng thú khám phá từng bài giảng khác nhau trong lớp học Montessori. Trẻ còn học được cách tôn trọng lẫn nhau và cùng xây dựng ý thức cộng đồng.
Rèn luyện tính tự lập, tự học
Bé hình thành tính tự lập và tự học thông qua việc học cách chăm sóc bản thân, đồ dùng và môi trường xung quanh. Phương pháp Montessori hiểu rằng trong mỗi đứa trẻ luôn có động lực tích cực để trở nên tự lập. Tính tự lập rất quan trọng bởi nó liên quan trực tiếp đến lòng tự trọng, năng lực và tinh thần hợp tác của trẻ. Do vậy, lớp học Montessori luôn chú trọng việc hướng dẫn trẻ làm việc một cách độc lập. Trẻ có thể tự tiếp cận giáo cụ trong lớp học nên không phải lúc nào chúng cũng cần đến sự giúp đỡ của người khác để lấy được đồ. Đồ vật, ví dụ như chiếc chổi, được thiết kế vừa vặn cho bé sử dụng và tự do chọn công việc mình thích. Giáo viên cũng được huấn luyện để khuyến khích trẻ tự lập qua việc cho phép trẻ tự phục vụ bản thân ngay khi trẻ có thể.
Học về trật tự
Mọi người, kể cả trẻ nhỏ đều thích sự ngăn nắp, trật tự hơn là hỗn loạn bởi mọi thứ vận hành trong một môi trường ngăn nắp dễ dàng hơn. Sự ngăn nắp trật tự giúp trẻ tự lập vì chúng có thể dễ dàng tìm được dụng cụ mình cần mà không cần thông qua sự giúp đỡ.
Mục tiêu mang tính xã hội như giúp trẻ học cách hòa hợp, tôn trọng và hợp tác với nhau là một phần quan trọng của phương pháp giáo dục Montessori. Phải chia sẻ giáo cụ giúp trẻ trở nên kiên nhẫn và biết hợp tác. Dạy trẻ biết tôn trọng mọi người bằng cách đi đứng cẩn thận xung quanh thảm của các bạn khác. Thêm vào đó, phương pháp Montessori còn bao gồm các bài học về ứng xử và tác phong lịch sự mà nhờ đó trẻ được học các kỹ năng xã hội cần thiết như chào hỏi và giới thiệu mọi người, hỏi xin một thứ gì đó đúng cách, cách hành xử lịch sự trong những việc nhỏ như hắt xì hơi, ho hoặc ngáp.
Tham khảo: Cách dạy bé tập nói hiệu quả
Chú trọng thực hành
Một trong những lợi ích lớn nhất của phương pháp Montessori là được học cả lý thuyết lẫn thực hành. Bên cạnh những lý thuyết về ngôn ngữ, toán, văn hóa, các bé cũng được hướng dẫn ứng dụng những điều được học. vào cuộc sống thường ngày.
Lấy nhu cầu của trẻ làm trung tâm
Các lớp học Montessori được xây dựng và bổ sung những yếu tố mà phương pháp giáo dục truyền thống còn thiếu sót. Phương pháp Montessori bao gồm các bài học và hoạt động được tổ chức dựa trên nhu cầu của trẻ, trong khi phương pháp truyền thống thường chỉ chú trọng các bài học và hoạt động hỗ trợ cho bài giảng.
Khuyến khích trẻ hoạt động
Nguyên tắc xây dựng bài học Montessori là thực hành. Trẻ được khuyến khích tự khám phá thông tin. Trong khi đó, phương pháp truyền thống truyền tải kiến thức đến trẻ một cách thụ động, trẻ phải ghi nhớ và làm bài kiểm tra.
Vai trò của giáo viên
Giáo viên Montessori đóng vai trò là người hướng dẫn và tư vấn trên cơ sở từng bé một. Mỗi bé sẽ được các cô hướng dẫn học tập riêng dựa trên nhu cầu và năng lực của bản thân. Ngược lại, giáo dục truyền thống truyền đạt cùng một lượng kiến thức với cùng tốc độ đến một tập thể các bé mà không cần quan tâm khả năng phát triển của từng em là như thế nào.
Với những ưu điểm vượt trội của phương pháp Giáo dục Montessori, trường mầm non Khánh Tiên đã từng bước cho trẻ tiếp cận với phương pháp giáo dục tiên tiến này, đây không chỉ là bước đột phá trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của nhà trường về việc quyết tâm đổi mới công tác quản lý và nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ, mà còn là trí tuệ, tâm huyết của cả tập thể sư phạm nhà trường.
Trong thời gian tới, trường mầm non Khánh Tiên sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung giáo cụ cho lớp học Montessori để đáp ứng nhu cầu hoạt động của trẻ, tạo nên thành công trong đổi mới phương pháp giáo dục.
.png)
Một số hình ảnh trẻ trường mầm non Khánh Tiên hoạt động với bộ giáo cụ tại lớp học Montessori
Nguồn: Trường mầm non Khánh Tiên